Năm 2019, qua triển khai đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, kết quả trên địa bàn huyện có 03 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận xếp hạng 3 sao là: Mật sáp, Mật ong Organic, Mật ong Miền Tây của công ty TNHH Ong Xanh, ấp Trường An, xã Trường Khánh và trong năm nay đơn vị được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ đề án Khuyến công địa phương để mua sắm thêm các trang thiết bị sản xuất mật ong từ thủ công sang tự động hóa và nhằm liên kết, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, xã Trường Khánh đã tiến hành thành lập HTX Ong Xanh, với 7 thành viên tham gia sản xuất ong giống và mật ong, để đảm bảo nguồn cung, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Anh Nguyễn Minh Tùng, ấp Trường An, xã Trường Khánh, huyện Long Phú nói “ Hiện tại công ty Ong Xanh đã có nhà phân phối trong tỉnh, hướng tới mình sẽ phát triển mỗi tỉnh một nhà phân phối để dễ dàng mở rộng thị trường hơn và để đảm bảo nguồn cung, bên công ty Ong Xanh sẽ đi chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ nông dân để họ gia tăng trong việc sản xuất mật ong, dễ dàng kiểm soát được chất lượng và giúp một số hộ cải thiện kinh tế gia đình”
Thấy được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP, huyện Long Phú đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: chuối sấy, ngó sen, bồn bồn, xá bấu, bưởi da xanh… nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Chị Bùi Thanh Xuân Trân, ấp Cái Quanh, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú chia sẻ“ Hiện tại cơ sở chúng tôi đã gần như hoàn chỉnh các tiêu chí để tham gia chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP của năm 2020 và chúng tôi còn thiếu sót một số hồ sơ minh chứng cần bổ sung, hiện cơ sở chúng tôi đang cố gắng để cung cấp đầy đủ những minh chứng đó, phù hợp với các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP trong năm nay”
Trích ảnh: Sản phẩn ngó sen Hai Cao
Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các hợp tác xã đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu tổ chức kinh tế, hoàn thiện hệ thống sản xuất và kinh doanh. Đa dạng hoá hình thức truyền thông, chú trọng vào hình thức truyền thông qua mạng xã hội. Phấn đấu trong năm nay huyện có 3 sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt 3 sao là : chuối sấy Xuân Diệu, ngó sen – bồn bồn Hai Cao, bưởi da xanh HTX Trường Phát và đến năm 2025 có 12 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ông Huỳnh Đoan Trực, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Long Phú cho biết “ Thực hiện chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” OCOP, vừa qua Phòng Kinh tế - Hạ Tầng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp có đăng ký các sản phẩm OCOP của địa phương, bên canh đó Phòng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đề án khuyến công, các thiết bị máy móc, phục vụ cho sản xuất cũng như sơ chế các sản phẩm và hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa”
Với những giải pháp đồng bộ, bám sát thực tiễn ở cơ sở, tin tưởng rằng Long Phú sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển./.
Bài, ảnh Thanh Đồng